Chuyển động nhân sự cấp cao năm 2020
Những chuyển động nhân sự cấp cao ghi nhận việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, với hàng loạt gương mặt 7X được bầu giữ các vị trí quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất hiện nay là ông Lê Quốc Phong. Hồi tháng 10/2020, ông Phong được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ở tuổi 42. Ông Phong quê Hà Nội, trình độ Thạc sĩ sinh học, là Ủy viên viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII.
Trưởng thành từ công tác Đoàn, ông Phong lần lượt giữ chức Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP HCM; Bí thư Trung ương Đoàn khóa X, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX; Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn; Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VII...
Ông Lê Quốc Phong là một trong 28 Bí thư Tỉnh ủy khóa mới dưới 50 tuổi. 28 vị này chiếm tỷ lệ 43% bí thư cấp ủy sau Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương, diễn ra vào trung tuần tháng 9 và tháng 10/2020. Hiện nay ở Thanh Hóa, cả Bí thư và ba Phó bí thư Tỉnh ủy đều thế hệ 7X. Tương tự tại Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy sinh năm 1976; Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh sinh năm 1974.
Cũng như ông Phong, nhiều Bí thư Tỉnh ủy khác là cán bộ từng kinh qua công tác Đoàn và giữ một số chức vụ quan trọng khác trước khi được bầu vào vị trí hiện nay, như Bí thư các tỉnh Lạng Sơn; Bắc Kạn; Quảng Ninh; Hải Dương; Vĩnh Phúc; Nghệ An; Hà Tĩnh; Quảng Ngãi; Bình Thuận; Bình Phước; Đắk Lắk; Bến Tre; Bình Dương; Tây Ninh; Cà Mau.
Ngoài ra, nhiều Bí thư Tỉnh, Thành ủy là lãnh đạo được điều động, luân chuyển từ Trung ương về địa phương, trong đó có hai nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
Tháng 2/2020, Bộ Chính trị quyết định phân công ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay ông Hoàng Trung Hải. Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội hồi tháng 10, ông Vương Đình Huệ tái đắc cử.
Cũng trong tháng 10/2020, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu Bí thư Thành ủy TP HCM. Tại phiên họp thứ nhất, Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu ông Nguyễn Văn Nên làm Bí thư Thành uỷ với tỷ lệ 100%.
Trong số Bí thư Tỉnh ủy dưới 50 tuổi, nhiều người nguyên là thứ trưởng các bộ và tương đương, như Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương (46 tuổi), từng giữ chức Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh (46 tuổi) và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng (45 tuổi), đều nguyên là Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng (49 tuổi), nguyên là Thứ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch. Ông Tùng cũng từng công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng (47 tuổi), từng giữ chức Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn (49 tuổi), nguyên là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Bà Đào Hồng Lan (49 tuổi), nữ Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Bắc Ninh kể từ khi tỉnh này được tái lập năm 1997, nguyên là Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội.
Bí thư các tỉnh, thành là nhân sự được điều động, luân chuyển từ Trung ương về còn có Cao Bằng; Thái Nguyên; Thái Bình; Ninh Bình; Hà Nam; Yên Bái; Đà Nẵng; Hậu Giang; Khánh Hòa...
Ở cấp Bộ trưởng, trưởng ngành, 2 thành viên Chính phủ nhận cương vị mới trong năm 2020 là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (hiện là Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng (hiện là Chánh văn phòng Trung ương Đảng).
Tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội đã phê chuẩn ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, thay ông Chu Ngọc Anh; bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thay ông Lê Minh Hưng, trở thành nữ Thống đốc đầu tiên.
Quốc hội cũng phê chuẩn ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế do người tiền nhiệm - bà Nguyễn Thị Kim Tiến về hưu từ một năm trước.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chuyển động nhân sự cấp cao trong năm 2020 ghi nhận một số xu hướng tích cực, như: "Trẻ hơn", độ tuổi bình quân của Ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đều thấp hơn so với nhiệm kỳ trước, cơ bản bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy và có 28 bí thư từ 50 tuổi trở xuống; "trình độ cao hơn", cấp ủy trình độ thạc sỹ trở lên đạt gần 67%, cao hơn nhiệm kỳ trước hơn 23%, Bí thư cấp ủy trình độ từ thạc sỹ trở lên là 51 người, gồm 3 giáo sư, phó giáo sư...; "nhiều Bí thư cấp uỷ không phải là người địa phương hơn" với 27 người, đạt tỷ lệ 41,54%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%...
Ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia Xây dựng Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), thì nhìn nhận đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh đã có sự chuyển giao giữa các thế hệ cán bộ, "đó là những cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong chiến tranh, được đào tạo bài bản trong mái trường XHCN trước đây, chuyển sang thế hệ cán bộ mới sinh ra, lớn lên trong hòa bình và được đào tạo từ rất nhiều nguồn, rất nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau".
Theo ông Hà, những khóa trước các cấp có thẩm quyền đã đề cập đến tỷ lệ cần thiết cán bộ trẻ, nhưng để đào tạo được một thế hệ cán bộ trẻ đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện "không phải ngày một ngày hai". Và để có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh, thành trên dưới 50 như hiện nay, những nhân sự cấp chiến lược đang và sẽ tham gia vào Trung ương "là một quá trình chuẩn bị lâu dài và bài bản".
Nhận xét
Đăng nhận xét