Nền tảng vững chắc cho phát triển
Thành tích nổi bật của cả nước trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng 5 năm qua (2016-2020) là tiếp tục duy trì chính trị - xã hội ổn định, giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh. Đây là nền tảng vững chắc, cơ sở hàng đầu để đất nước phát triển mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như năm 2020.
Bình yên, an toàn
“Tiếp tục bảo đảm quốc phòng thường xuyên, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, gần 2.000 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, hội nghị quốc tế, hoạt động lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế diễn ra trên địa bàn. Đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37… Tỷ lệ tội phạm năm 2020 đã được kéo giảm 15,3%, trong đó tỷ lệ trọng án được khám phá đạt 95,3%. Hình ảnh Hà Nội bình yên, là điểm đến an toàn, thân thiện ngày càng lan tỏa với bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước”.
Đây là nội dung của một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2020. Kết quả này của Hà Nội vừa góp phần quan trọng, vừa là đại diện tiêu biểu cho nỗ lực của cả nước trong bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ Đại hội XII.
Theo dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 5 năm qua, cả nước tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang. Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước...
Cũng trong nhiệm kỳ khóa XII, Đảng và Nhà nước đã ban hành, triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia... Không chỉ đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, cả nước đã chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: “Khi dịch Covid-19 xảy ra, lực lượng vũ trang đã luôn xung kích trên tuyến đầu, trong mọi nhiệm vụ khó khăn nhất. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tuần tra biên giới và hết lòng phục vụ ở những khu cách ly cũng như các chiến sĩ công an “đi từng ngõ, gõ từng nhà” làm công tác phòng chống dịch mang lại niềm tin yêu của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ”.
Giữ cho “trong ấm, ngoài êm”
Mặc dù vậy, trong nhiệm kỳ khóa XII, Trung ương Đảng đã nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, đồng thời phân tích, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong 5 năm tới. Trung ương Đảng đã nêu bật quan điểm phải bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng cũng nêu rõ định hướng là kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Cả nước phải ra sức giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa...
Để thực hiện được định hướng, mục tiêu trên, cả nước phải tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; không ngừng xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Tất cả phải tiếp tục tập trung xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và có sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống...
Thống nhất cao với đường lối của Đảng, Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh (Học viện An ninh nhân dân) cho rằng, việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân không thể chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước, mà cần mở rộng hợp tác quốc tế.
Trong khi đó, Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng khẳng định, hơn bao giờ hết, chúng ta phải luôn đánh giá đúng tình hình, bảo đảm cho đất nước thích nghi, ổn định và phát triển, tạo môi trường “trong ấm, ngoài êm”, coi trọng giữ vững bên trong. Đây là yếu tố quyết định để đất nước phát triển trong giai đoạn tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét