"Nhân sự đặc biệt"
Hội nghị Trung ương lần thứ 15 kết thúc cuối tuần qua được đánh giá là rất thành công, khi đã xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự, trong đó có “nhân sự đặc biệt” tham gia Ban Chấp hành, Bộ Chính trị khóa XIII. Thế nào là “nhân sự đặc biệt”, việc lựa chọn giới thiệu “nhân sự đặc biệt” cho Đảng được tiến hành như thế nào để không mang tiếng là phá vỡ nguyên tắc mà lại có lợi cho Đảng, cho dân, cho sự nghiệp phát triển mạnh mẽ của đất nước
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 15. Ảnh: Nhật Bắc/LĐO |
Theo quy định của Đảng về công tác nhân sự, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tái cử không quá 60 tuổi. Tương tự, tuổi tái cử tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư không quá 65 tuổi… Trong trường hợp đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương có thể xem xét giới thiệu tái cử đối với Ủy viên Ban Chấp hành đã quá 60 tuổi, Ủy viên Bộ Chính trị trên 65 tuổi để đại hội quyết định bầu vào Ban Chấp hành, Bộ Chính trị...
Nhiều chuyên gia về xây dựng Đảng cho rằng, việc có trường hợp “đặc biệt” tham gia Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới là hợp lý và cần thiết. Những “trường hợp đặc biệt” trong quá trình chuẩn bị nhân sự được thực hiện từ Đại hội XI và XII của Đảng là một thực tế.
Đã gọi là “đặc biệt” thì có nghĩa là không như bình thường. Tất nhiên, cũng không phải “bất thường”. Muốn lãnh đạo đất nước, Đảng phải dựa vào những nguyên tắc do mình đề ra. Chấp hành nguyên tắc là yếu tố để duy trì kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, nhất là trong công tác đào tạo, sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, lịch sử cũng từng ghi nhận, có những trường hợp ngoại lệ. Vấn đề là sự ngoại lệ ấy là vì cái gì mà thôi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng rất linh hoạt trong việc sử dụng yếu tố “đặc biệt” và đã rất thành công khi biết sử dụng những người thuộc diện “nhân tài” của đất nước, đặc biệt là trong lúc sự nghiệp kháng chiến kiến quốc gặp nhiều khó khăn.
Trở lại câu chuyện những “trường hợp đặc biệt” trong công tác nhân sự cho những kỳ đại hội Đảng gần đây, có thể thấy, những trường hợp này khi tái cử vào Ban Chấp hành, Bộ Chính trị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ai cũng hiểu, với những vị trí, lĩnh vực quan trọng thì phải có người đủ tâm, đủ tầm đảm đương nhiệm vụ. Trong khi chưa tìm ra được nhân sự thay thế, phải chấp nhận “trường hợp đặc biệt” để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành, Bộ Chính trị trên tinh thần lấy lợi ích của dân tộc, đất nước làm trên hết.
Đó không phải là sự “ưu ái” cho bất kỳ cá nhân nào như rêu rao của một số phần tử chống đối, mà việc xem xét “trường hợp đặc biệt” là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng nhằm sử dụng và phát huy tối đa nguồn nhân lực có “tài năng đặc biệt” để dẫn dắt phong trào và chỉ dành cho những người có trí tuệ kiệt xuất, đạo đức trong sáng dù họ đã quá tuổi theo quy định. Vấn đề là sự lựa chọn nhân sự đặc biệt có công khai minh bạch hay không? Sự lựa chọn ấy là vì mục đích gì? Vì quyền lợi của nước của dân hay là vì “phe nhóm”, hay vì cục bộ địa phương mà thôi.
Chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn nên rất cần những cán bộ lão luyện về chính trị, có kinh nghiệm, có tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân với một khát vọng cháy bỏng vì một đất nước Việt Nam hùng cường.
Ngẫm lại, trong khi nhiều phần tử chống phá đang không ngừng lớn tiếng rêu rao, xuyên tạc câu chuyện “trường hợp đặc biệt” trong công tác nhân sự của Đảng ta thì thế giới vẫn có những chính trị gia lớn tuổi được cử tri bầu vào các vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước. Những “trường hợp đặc biệt” được chọn giới thiệu cho khóa XIII vì hiện tại chưa tìm được ai thay thế tốt hơn; bởi đó là người nhận được sự tín nhiệm cao nhất của Đảng, của dân; còn đủ sức khỏe, trí tuệ và bản lĩnh để hoàn thành trọng trách được Nhân dân ủy thác.
Thực tiễn đất nước, sự đồng thuận của dư luận và niềm tin của dân là nguồn động viên lớn lao để Đảng ta mạnh dạn lựa chọn “nhân sự đặc biệt” theo cách riêng của mình, trên tinh thần vì nước vì dân.
Sự thành công của “trường hợp đặc biệt” tái cử trong khóa XII cho phép Nhân dân ta tin tưởng một lần nữa, các “nhân sự đặc biệt” tái cử khóa XIII và nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 5 năm tới được “Hội nghị Trung ương 15 giới thiệu với số phiếu tập trung rất cao” như lời phát biểu bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, cống hiến cho Đảng, cho Nhân dân, cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét