Lựa chọn đại biểu Quốc hội: Tránh “so bó đũa, chọn cột cờ”

 Vấn đề lựa chọn đại biểu Quốc hội, quản lý đại biểu Quốc hội, đánh giá đại biểu Quốc hội như thế nào là vấn đề lớn để không ngừng nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng hoạt động thực chất của đại biểu Quốc hội.

Mong muốn đại biểu được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân là người có đức, có tài

Góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, ở hội trường Quốc hội ngày 26/3, ông Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết: Đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm là hạt nhân then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, lâu nay việc lựa chọn đại biểu Quốc hội về cơ bản trên cơ sở số lượng, cơ cấu được phân bổ theo kiểu “so bó đũa, chọn cột cờ”. Cách làm này dẫn đến sự thiếu chủ động, phạm vi lựa chọn còn hạn hẹp, thời gian lựa chọn rất ngắn, gấp gáp cùng với nhiều yếu tố khác nên đại biểu Quốc hội được lựa chọn đôi khi chưa thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường sáng nay, 26.3
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 26/3

“Cá biệt còn lọt vào Quốc hội những người có vi phạm không đủ tư cách làm đại biểu buộc phải xử lý sau đó. Vì vậy, cần xem xét, đánh giá đầy đủ cách thức tổ chức lựa chọn, giới thiệu đại biểu Quốc hội” - đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.

Để khắc phục cho được những hạn chế này, ông Hoàng Đức Thắng cho rằng, cần xây dựng sớm phương án khung về nhân sự đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa sau, ngay từ đầu nhiệm kỳ hay giữa nhiệm kỳ của khóa trước; không để đến cuối nhiệm kỳ mới xây dựng phương án, mà phải xem phương án nhân sự do Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định như luật định hiện nay chỉ là quy trình lần cuối để thực hiện công tác nhân sự đại biểu Quốc hội mà thôi.

Theo đó, trên cơ sở định hướng nhân sự khung để thực hiện quy hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách các cấp. Khi đã có cơ chế tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng, lựa chọn một cách chủ động, khoa học, chặt chẽ, rộng mở thì chúng ta mới có nguồn để lựa chọn ra những đại biểu Quốc hội thực sự có tâm, có tầm, thực sự hiện tại như mong đợi của nhân dân; khắc phục được những tình trạng là trước kỳ bầu cử Quốc hội phải đốt đuốc đi tìm nhân sự.

“Cần có cơ chế quy hoạch, tạo dựng nguồn đại biểu chuyên trách ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các vụ thuộc Văn phòng Quốc hội. Bởi đây là nguồn nhân sự thực sự có chất lượng, được trải nghiệm qua thực tiễn hoạt động tham mưu, giúp việc cho hoạt động Quốc hội” - ông Hoàng Đức Thắng lưu ý.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị, cần xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội, nhất là giám sát việc thực hiện lời hứa, chương trình hành động, vận động bầu cử của đại biểu Quốc hội trước cử tri; có khen, có chê mới tạo được động lực thúc đẩy đại biểu Quốc hội thi đua làm tốt, làm tròn trách nhiệm của mình trước Quốc hội và trước nhân dân.

Mỗi kỳ đại biểu Quốc hội là một lần chuyển giao các thế hệ lãnh đạo Quốc hội. Kế thừa và phát triển các thế hệ lãnh đạo là nguyên tắc, là biện chứng của sự phát triển. Nhìn lại sự chuẩn bị nhân sự lãnh đạo Quốc hội khóa XV này, cử tri và nhiều đại biểu thực sự có băn khoăn, vì sự chuyển giao ít kế thừa. “Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đều thay mới, chỉ còn 5/18 vị trong Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tái cử” - ông Hoàng Đức Thắng nêu.

Ông Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Cần rà soát xây dựng chiến lược cán bộ lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Ban Thường vụ Quốc hội, để chủ động nguồn cán bộ cấp chiến lược này, để bố trí, sắp xếp, bảo đảm tính kế thừa, phát triển vững chắc và vững tâm hơn cho các thế hệ lãnh đạo Quốc hội sau này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến