"Nhờ Việt Nam giúp đỡ là rất kịp thời, hiệu quả; nếu trông chờ phương Tây, có lẽ quyền làm người của người Campuchia đã tiêu tan"

 

"Nhờ Việt Nam giúp đỡ là rất kịp thời, hiệu quả; nếu trông chờ phương Tây, có lẽ quyền làm người của người Campuchia đã tiêu tan"
Thủ tướng Hun Sen. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên của đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền đã phát biểu như trên nhân kỷ niệm 44 năm ngày Thủ tướng Hun Sen vượt qua biên giới Campuchia - Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Campuchia ngày 20/6 vừa kỷ niệm 44 năm "Hành trình tiến tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" - hành trình Thủ tướng Hun Sen tìm đường cứu nước, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ - bằng lễ động thổ xây dựng Tòa nhà hữu nghị Campuchia-Việt Nam gần biên giới Việt Nam tại làng Koh Thmar, tỉnh Tboung Khmum của nước này, theo báo Khmer Times.

Tham dự và đồng chủ trì lễ kỷ niệm và động thổ xây dựng nhà hữu nghị ở khu X16 thuộc khu vực biên giới của hai nước có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cùng các quan chức cấp cao của hai nước.

44 năm trước, ngày 20/5/1977, Trung tá Hun Sen (nay là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Campuchia) đã cùng 4 cán bộ thân tín vượt qua biên giới Campuchia - Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Việt Nam nhằm lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Báo Khmer Times cho hay, với sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam, thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng vào ngày 7/1/1979, khiến lãnh đạo của chế độ Khmer Đỏ phải rút về phía Tây dọc biên giới Thái Lan.

Nhân dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước, Thủ tướng Hun Sen đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình rằng ông coi ngày 20/6 là ngày ông đã liều mạng để giải cứu người dân Campuchia khỏi tay chế độ Khmer Đỏ.

Theo đó, ông Hun Sen viết: "Mặc dù hiện tại tôi và nhân dân Campuchia đang được hưởng cuộc sống hạnh phúc, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên rằng đã có biết bao giọt lệ tuôn rơi khi tôi rời khỏi quê hương để tìm đường giải phóng đất nước, để lại sau lưng những người dân Campuchia đang phải chịu thống khổ và đặc biệt là cả người vợ đang mang thai đầy tội nghiệp của tôi".

Nhà lãnh đạo Campuchia cũng cho biết khi đó ông không còn lựa chọn nào tốt hơn vì không thể cầu xin Pol Pot thương xót.

"Chính sự lựa chọn đầy rủi ro và nước mắt ấy đã đem lại niềm hạnh phúc và sự tiến bộ cho đất nước ta ngày nay", ông Hun Sen nhấn mạnh.

Hình ảnh được ông Hun Sen chia sẻ trong bài đăng nói trên

Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày với báo Khmer Times, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh khẳng định ngày 20/6 là ngày kỷ niệm cuộc chiến đấu chống lại "kẻ thù chung" của hai nước là chế độ diệt chủng Pol Pot và những "kẻ xâm lược" khác.

Người phát ngôn của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền - Thượng nghị sĩ Sok Eysan cũng cho biết ngày 20/6 là một ngày không thể quên đối với Thủ tướng Hun Sen.

Ông Eysan nói: "Người dân Campuchia sẽ mãi khắc ghi ngày 20/6, ngày ông Hun Sen và các đồng đội rời quê hương để tìm kiếm con đường giải phóng đất nước và nhân dân khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot".

Cũng theo lời Thượng nghị sĩ này, 20/6 cũng là một "ngày ý nghĩa" đối với sự tồn vong của đất nước Campuchia: "Nếu không có ngày 20/6 thì sẽ không có ngày 2/12 (1978) và ngày 7/1/1979."

Ông Eysan giải thích thêm: "Ngày 2/12/1978 là ngày thành lập [Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (KUFNS) - tiền thân của] Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia - SFDCM, tổ chức mở đường cho chiến dịch lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Và ngày 7/1 - hay còn được biết đến với tên gọi 'Ngày Chiến thắng' - là ngày lực lượng SFDCM và quân tình nguyện Việt Nam đã chiếm lại thủ đô Phnom Penh và lật đổ chế độ Khmer Đỏ".

"Việc đề nghị nước láng giềng Việt Nam giúp đỡ là một động thái kịp thời và rất hiệu quả - người dân Campuchia đã sống sót sau thảm họa diệt chủng. Nếu chúng ta chờ đợi sự can thiệp của phương Tây, những nước hay rao giảng về nhân quyền, thì có lẽ quyền làm người của người Campuchia đã tiêu tan", Thượng nghị sĩ Eysan bình luận./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến